Cuộc săn lùng những chiếc khoá cổ trên đất Mỹ

09.06.2015
Bán đất, "đốt" tiền, nhịn đói để mua những chiếc khoá cổ đến từ nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng. Những chuyến đi dài triền miên suốt những năm tháng sống ở Mỹ đã mang về cho anh Sơn một bộ sưu tập khiến nhiều người phải kinh ngạc.

 Bộ sưu tập đáng giá cả gia tài

Gần 4 năm sinh sống và làm việc ở Mỹ cũng là chừng ấy thời gian anh Sơn dành cho những cuộc săn lùng những chiếc khoá có hàng trăm năm tuổi. Mới nghe qua câu chuyện kể về những bộ khoá quý mà nhà sưu tầm Việt này đang sở hữu chúng tôi đã thực sự bị thu hút. Gác lại một núi công việc ở Hà Nội những ngày cận Tết, chúng tôi quyết định về thành phố Nam Định, nơi vợ chồng nhà sưu tập này mới chuyển về sống sau một thời gian dài lưu trú tại New York để xem tận mắt cái kho báu mà anh đã cặm cụi tích luỹ nhiều năm khi còn ở Mỹ. 


Đã từng nghe và biết đến nhiều nhà sưu tập đồng hồ cổ, xe cổ, đồ gốm sứ, đèn kính màu… nhưng đây là lần đầu tiên tôi được biết đến một bộ sưu tập khóa cổ bằng đồng đồ sộ như vậy ở Việt Nam. Điều thú vị ở bộ sưu tập này không chỉ bởi nó đã chu du hàng chục ngàn cây số để có mặt ở VN, có tuổi đời lên đến vài trăm năm hay từng được sử dụng trong những công trình kiến trúc lớn ở Mỹ mà còn bởi mỗi bộ khóa thực sự là những tác phẩm nghệ thuật với thiết kế và hoạ tiết ấn tượng, không bộ nào giống bộ nào. 


Trở lại lịch sử nước Mỹ thế kỷ 19 để tìm hiểu tại sao bộ sưu tập khóa cổ này quý giá và hiếm có đến như vậy. Thời kỳ đó các hãng sản xuất khóa đều sản xuất bằng thủ công và cho sản lượng rất ít và khóa cũng không được bán trên thị trường. Chỉ khi một tòa nhà do chính phủ liên bang, các công ty xây các tòa nhà hoặc các gia đình giàu có xây các dinh thự hay lâu đài họ mới đặt sản xuất một số lượng nhất định các bộ khóa với thiết kế riêng có in hình biểu tượng chính quyền của Liên bang, hay của bang, đối với các công ty là biểu tượng hay tên riêng của các công ty, với các gia đình là gia huy in lên những bộ khóa số lượng mối đơn đặt hàng này thường nhiều nhất chỉ vài chục bộ, có khí chỉ một vài bộ. Vậy nên, mỗi bộ khoá cổ còn lại đều hiếm hoi và có hình dạng, kích cỡ khác nhau.


Căn phòng trên cùng mà anh Sơn gọi là kho được dùng là nơi chứa tạm hàng trăm bộ khoá đủ loại, ít thì cũng phải trăm tuổi, nhiều thì cũng ngót ngét 200 tuổi. Chưa kịp làm giá để bày chúng lên, anh xếp tất cả những chiếc thùng nhựa nhưng trong cái đống ngổn ngang đó, những bộ khoá đẹp nhất từng thuộc về toà nhà nào của Mỹ vẫn được anh tìm ra nhanh chóng và đọc vanh vách lai lịch. Cái kho đặc biệt này chỉ có duy nhất hai vợ chồng anh được bước vào. Trước cửa ra vào, anh xếp vài tấm gỗ như một cách phân chia lãnh địa. Anh dặn người giúp việc trong nhà có thể lau dọn bất cứ phòng nào ngoại trừ cái kho đồ quý chứa… toàn khóa của anh.

Không chủ đích sưu tầm, những bộ khóa đầu tiên anh mua về là với mục đích mang về Việt Nam để khi nào xây nhà thì sẽ sử dụng đến. Nhưng hiện tại đã sở hữu tới 500 bộ khóa, trong đó có đến một nửa là những bộ khóa còn nguyên vẹn nhưng anh bảo chưa có ý định dùng bất cứ bộ khóa nào cho ngôi nhà tương lai của mình. Lý do là vì chắc chắn ngôi nhà anh có thế nào thì cũng chẳng.... xứng với những bộ khóa đẹp có đến hàng trăm năm tuổi kia. "Tôi sẽ chẳng dùng bộ khoá nào cho nhà mình vì nó không xứng đáng. Nếu đã định cho khóa vào ngăn tủ để ngắm thì không nên sử dụng", anh bảo.


Anh không thể tính được số tiền mà mình đã bỏ ra để đổi lấy bộ sưu tập khoá này. Khoá với anh thực sự là đam mê, nói chính xác hơn đó là một sự ám ảnh.

Nhịn ăn để mua khoá


Hỏi anh có những kỷ niệm nào đặc biệt trong những lần săn lùng những bộ khóa mình đang sở hữu không? Anh bảo chẳng thể nhớ hết nổi những khó khăn. Gần 4 năm ở Mỹ là chừng ấy những chuyến đi triền miên, những cuộc lái xe xuyên rừng, xuyên đêm, xuyên mưa tuyết trong cái lạnh giá của nước Mỹ. Những ngày lạc đường đi tìm mua khóa với cái bụng đói meo mà nhiều lần ra về tay trắng là những ngày anh không bao giờ quên.

Vậy mà niềm vui mua được những bộ khóa ưng ý anh cũng chẳng biết chia sẻ với ai bởi những người bạn cùng sở thích không có, còn vợ anh thì ngay từ đầu đã phản đối cái thú chơi tốn kém này. Chị Trang, vợ anh không thể hiểu nổi đam mê kỳ quặc của chồng. Chị bảo thời gian ở Mỹ thực sự gia đình rất nghèo vì kiếm được bao nhiêu tiền chồng chị đều đổ vào khóa. "Anh ấy mê khóa như phụ nữ nghiện shopping, thậm chí còn kinh khủng hơn, đến độ không ngăn nổi. Ngày nào có lương là anh mất hút", chị Trang nói. 




Tôi hỏi: Câu mắng nào ấn tượng nhất khi tiền ăn không có mà chồng toàn mang khóa về trong khi khóa thì chẳng ăn được? Anh ngập ngừng một chút rồi mới trả lời: "Vợ tôi cứ kêu ca suốt vì trong nhà có bao nhiêu tiền là lại đi theo khóa. Cô ấy khóc nhiều... Nhiều lúc bực mình với chồng thì sinh ra cáu bẳn, đá thúng đụng nia (cười)".

Ngoài công việc, anh chỉ dành thời gian kiếm tìm những chiếc khóa với suy nghĩ rằng thời gian mình còn ở Mỹ càng ngày càng rút ngắn lại, nếu không sưu tầm bây giờ thì sau này về VN sẽ không còn cơ hội nữa. Vậy là cái gia tài khóa của anh cứ ngày càng lớn dần. Căn nhà mỗi lúc một thêm chật chội mà cái sở thích của anh vẫn chưa được thỏa mãn.




Nguồn sống của cặp vợ chồng mới cưới những ngày ở New York là khoản tiền ít ỏi chị kiếm được từ công việc làm thêm và sau này là thêm khoản tiền trợ cấp từ chính phủ Mỹ dành cho các bà bầu. Ngày chị về VN để sinh con, anh dốc hết số tiền hiện có trong nhà cũng chỉ còn 200 đô la đưa cho vợ cầm về bởi có đồng nào là đã hoá thành khoá hết. Anh bảo ấn tượng về những năm tháng săn lùng những chiếc khoá là khó khăn quá dài và lúc nào cũng túng bấn!


Kỷ niệm những năm tháng ở Mỹ của vợ chồng anh có thể nói là gắn liền với những câu chuyện vui buồn của những chiếc khóa. 








Theo Vietnamnet.vn



0
Chat Zalo